Các lưu ý và biện pháp kiểm tra khắc phục sự cố khi sử dụng thanh dẫn điện Busway

  1. Các lưu ý khi sử dụng hệ thống thanh dẫn điện Busway:
  • Tuyệt đối đề phòng các nguy cơ nước, chất lỏng các loại có thể đổ hay phun vào thanh dẫn điện Busway;
  • Tránh va đập gây tổn hại đến lớp vỏ Busway (móp méo, trầy xước,…) khi thi công, bảo trì các hệ khác xung quanh;
  • Không khoan, cắp, treo bất cứ vật gì vào Busway;
  • Không đu người lên Busway hay dùng Busway làm điểm tựa để gác các vật khác lên trên;
  • Không tự ý tháo hay điều chỉnh bất cứ phần nào trên Busway mà chưa tham khảo ý kiến nhà cung cấp. Việc tự ý tháo, điều chỉnh hoặc thay đổi nào do khách hàng thực hiện mà không có ý kiến của nhà cung cấp có thể gây tổn hại hoặc sự cố nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, toàn bộ trách nhiệm liên quan sẽ do khách hàng tự chịu trách nhiệm.
  1. Biện pháp kiểm tra và xử lý sự cố:
  2. Biện pháp kiểm tra trình trạng Busway
  • Dùng máy đo nhiệt độ để kiểm tra định kỳ nhiệt độ làm việc của Busway theo chu kỳ 4~6 tháng/lần. Độ tăng nhiệt độ cho phép không được vượt quá 55 độ C trên nền nhiệt độ môi trường khi hoạt động đầy tải. Đối với khớp nối là không vượt quá 70 độ C trên nền nhiệt độ môi trường,
  • Thường xuyên để ý và kiểm tra bằng các giác quan để nhận biết các dấu hiệu bất thường xảy ra: Busway đột nhiên bị cong vênh, có mùi khét, ….Đặc biệt là kiểm tra tại các vị trí co từ trục ngang lên trục đứng và các điểm kết nối với Máy biến áp, Máy phát.
  1. Biện pháp xử lý sự cố

Khi phát hiện Busway bị sự cố làm nhảy thiết bị bảo vệ (ACB, MCCB) thì ta làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Xác định nguyên nhân và vị trí xảy ra sự cố (nghe âm thanh, còi báo,…)
  • Bước 2: Cách ly toàn bộ các thiết bị có liên quan đến Busway (Máy biến áp, Máy phát, Tủ điện phụ, tủ điện tầng,…)
  • Bước 3: Thông báo với nhà cung cấp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xử lý khi máy cắt OFF do Busway bị nước vào nhưng không cháy, nổ:

  • Xác định khu vực nước phun hay đổ vào Busway;
  • Cách ly toàn bộ các thiết bị liên quan đến tuyến Busway;
  • Ước tính phạm vi ảnh hưởng của nước tới đoạn Busway đó;
  • Đo cách điện toàn tuyến Busway bằng đồng hồ Mega Ohm 1000VDC, nếu thấp hơn 5 Mega Ohm thì Busway đã bị ẩm;
  • Tiến hành tháo các nắp chụp đầu nối từ khu vực bị vào nước rộng ra bán kính xung quanh. Riêng với trục đứng cần tháo toàn bộ nắp chụp đầu nối từ tầng bị nước xối vào xuống các tầng phía dưới. Tháo đến khi thấy có các đầu nối khô hoàn toàn.
  • Tiến hành lau khô và sấy bằng máy sấy từ trên xuống dưới.
  • Đo lại cách điện toàn tuyến, khi điện trở đạt cao hơn 5 Mega Ohm thì lắp các nắp chụp lại và đóng điện.

Xử lý khi máy cắt OFF nhưng không xác định được nguyên nhân và vị trí xảy ra sự cố:

Cách ly toàn bộ các thiết bị liên quan đến Busway (Máy biến áp, Máy phát, Tủ điện phụ, Tủ điện tầng, …)

Đo cách điện tuyến Mega Ohm bằng đồng hồ Mega Ohm 1000VDC

  1. Nếu cách điện trên 5 Mega Ohm => Hệ thống Busway bình thường, nguyên nhân là do các thiết bị khác. Sau đó tiến hành đóng điện từng phụ tải vào Busway để xác định vị trí gây sự cố.
  2. Nếu cách điện = 0 Mega Ohm ở bất kỳ pha nào (loại trừ Trung tính N với vỏ trong mạng TN-C thường nối chung nên giá trị = 0 là bình thường) => Busway bị ngấm nước nặng hoặc bị ngắn mạch do hỏng cách điện.
  • Dùng cà lê tháo 1 khớp nối bất kỳ ở giữa tuyến để chia thành 2 tuyến riêng biệt.
  • Dùng đồng hồ Mega Ohm để đo cách điện trên từng tuyến. Tuyến nào có giá trị Mega Ohm = 0 thì sự cố nằm trên tuyến đó.
  • Tiếp tục chia đôi tuyến có sự cố và lặp lại cho đến khi xác định được chính xác đoạn Busway nào hay khớp nối nào là nguyên nhân gây sự cố.
  • Phối hợp với nhà cung cấp để xác định nguyên nhân làm đoạn Busway bị sự cố để có phương án thay thế hoặc sửa chữa.

Xử lý Busway bị cháy, nổ do nước vào hoặc do các nguyên nhân khác:

  • Trong trường hợp này phương án bắt buộc là phải thay mới thiết bị;
  • Nếu lỗi do thiết bị và trong thời gian bảo hành, nhà cung cấp thực hiện phương án đấu điện tạm, đảm bảo nối lại nguồn điện trong vòng 48 giờ, đồng thời thực hiện việc đặt hàng thay thế mới cho khách hàng một cách nhanh nhất;
  • Nếu lỗi do cố ý, lỗi không cố ý do sử dụng không đúng cách của khách hàng hoặc bên thứ 3 trong thời gian bảo hành, lỗi xảy ra khi hết thời gian bảo hành thì nhà cung cấp vẫn sẽ hỗ trợ tư vấn, kiểm tra, đánh giá thiệt hại và đưa ra giải pháp khắc phục nhưng chi phí do khách hàng hoặc do bên thứ 3 gây ra chịu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button